Thành công của “người cũ”…
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà Sản xuất Ôtô Việt Nam (VAMA), toàn thị trường năm 2013 đạt mức tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước đó; riêng phân khúc xe sang đã tăng khoảng 40%. Thực tế năm 2014 cũng cho thấy, nhu cầu tiêu dùng xe sang vẫn tiếp tục “miễn nhiễm” với thách thức của thị trường cũng như khó khăn chung của kinh tế trong nước.
Sản lượng xe Audi tiêu thụ tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2014 đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái
Tại buổi giới thiệu dòng xe sang Audi A8L hồi cuối tháng 7, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Á Quốc tế, nhà phân phối chính thức Audi tại Việt Nam, đã công bố rằng, sản lượng xe tiêu thụ trong nửa đầu năm 2014 đã tăng tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện tốc độ tăng trưởng của Audi tại thị trường Việt Nam cao gấp 3 lần mức tăng trưởng trung bình của thương hiệu này trên toàn cầu.
Bản thân mẫu Audi A8L có giá bán khởi điểm là 4,3 tỷ đồng, ban đầu chỉ dự kiến bán khoảng 20 chiếc đến hết năm 2014. Tuy nhiên, hiện số lượng đơn dặt hàng đã cao hơn và có thể sẽ tăng gấp đôi.
Mercedes-Benz Việt Nam cũng có mức tăng trưởng trên 30%, trong nửa đầu 2014, đã bán tới 1.106 xe sang trong đó có mẫu xe đắt tiền như G-Class giá 7 tỷ đồng/xe cứ về chiếc nào là hết chiếc đó. Porsche Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, số lượng xe được giao tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2013.
Không kém cạnh Audi và Mercedes-Benz, BMW – một thương hiệu xe cao cấp khác của Đức cũng đang “ăn nên làm ra” tại Việt Nam. Ông Horst Herdtle, Tổng Giám đốc Euro Auto, đơn vị nhập khẩu và phân phối BMW, cho biết hiện Công ty đã có 7 năm tăng trưởng liên tục với sản lượng bán ra hơn 10.000 xe.
Lexus – thương hiệu xe sang của Toyota mới mở đại lý đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh cuối năm 2013 vậy nhưng mỗi tháng đang bán được từ 25-30 xe. Hiện Lexus nhập khẩu 5 mẫu, có giá bán từ gần 3- 6 tỷ đồng, nhưng bất chấp điều đó, khách hàng đổ tiền mua hơn cả dự đoán của nhà phân phối.
Nói tóm lại, các thương hiệu xe sang như Lexus, Mercedes, Porsche, BMW hay Audi… ngày càng có nhiều khách bởi những người nhiều tiền muốn sở hữu những chiếc xe danh giá để chứng tỏ bản thân.
… Và động lực của “kẻ đến sau”
Cuối năm 2014 sẽ đánh dấu sự có mặt của một loạt thương hiệu xe sang, siêu sang và siêu xe, tại thị trường Việt Nam. Infiniti thương hiệu xe sang của Nissan (Nhật Bản) đã khánh thành showroom tại TP Hồ Chí Minh vào hồi giữa tháng 7. Jaguar thương hiệu xe hạng sang và thể thao (Anh Quốc) cũng đã chính thức bán xe ra tại Việt Nam. Vào Việt Nam, Jaguar sẽ “chung nhà” với Land Rover. Showroom dự kiến sẽ mở tại Hà Nội được xếp hạng lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
“Cuộc chiến” ở phân khúc xe hạng sang nửa cuối năm 2014 đang trở nên vô cùng kịch tính. Thương hiệu xe sang Bentley đã chính thức có đại lý tại Hà Nội cách đây ít ngày. Việc Bentley cùng “đặt chân” đến Việt Nam sẽ mở ra cơ hội cho các tay chơi xe vốn đã đốt tiền mua xe nhập thoải mái chọn và yên tâm chơi xế sang hơn.
Các “ông lớn” đã chính thức “châm ngòi” cho cuộc đua dài kì. “Người cũ” thì đẩy mạnh kế hoạch bán hàng, “kẻ mới đến” thì tập trung xây dựng dịch vụ hậu mãi cao cấp để thu hút những khách hàng giàu có.
Tất cả các hãng xe sang đều nhận thức một điều, khách hàng hạng sang ngày nay thường xuyên trải nghiệm rất nhiều dịch vụ cao cấp khác nhau vì thế họ yêu cầu chất lượng dịch vụ rất cao, phong cách chuyên nghiệp, tiết kiệm thời gian và thuận tiện. Đây cũng là cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành danh hiệu hãng xe có chất lượng phục vụ tốt nhất.
Theo dự báo, thị trường xe sang Việt Nam năm 2014 vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân trên 30% với khoảng 5.000 chiếc được tiêu thụ.
Ông Kevin Rose, thành viên Hội đồng quản trị về bán hàng, tiếp thị và hậu mãi của Bentley Motors phát biểu tại buổi khai trương showroom mới đây tại Hà Nội: “Việt Nam có thể là một thị trường nhỏ nhưng có tiềm năng to lớn. Người Việt cũng rất ưa chuộng những thương hiệu xe hạng sang. Và đó là cơ sở để chúng tôi tin tưởng vào sự thành công của Bentley tại thị trường này”.
Hiện nay, dung lượng thị trường chỉ đạt 100.000 xe nhưng sẽ đạt đến 1-2 triệu chiếc trong tương lai gần. Khi đó, lượng xe sang cũng sẽ tăng gấp nhiều lần và các hãng xe đều không muốn “chậm chân” trong việc giành thị phần tại Việt Nam.