Kinh nghiệm lái xe khi xử lý ô tô mất phanh

Có thể khẳng định rằng, trong mọi điều kiện an toàn thì mất phanh là một tình huống nguy hiểm nhất và khả năng gây ra các hậu quả nghiêm trọng cho tài xế, những người trên xe và những người đi đường là rất cao.

Nguyên nhân thường xảy đến với những chiếc xe ô tô cũ. Tuy nhiên, theo như anh Hoàng Văn Thiện, chủ một salon mua bán ô tô cũ thì trong trường hợp gặp phải tình huống này, nếu chủ động và biết cách xử lý thì dẫu sao cũng sẽ giảm thiểu được những rủi ro có thể xảy ra.

•    Điều đầu tiên là phải giữ bình tĩnh và giữ tầm quan sát

Thực ra trong bất kỳ trường hợp nào mà mất phanh chỉ là một, bình tĩnh là việc đầu tiên mà tài xế phải chủ động thực hiện. Nếu bình tĩnh, tài xế sẽ có những quan sát, lắng nghe và các hướng xử lý tốt hơn.

•    Nhả chân ga

Ngay khi phát hiện mất phanh, chân ga phải được nhả ngay để tập trung cho vấn đề xử lý.

•    Cảm nhận chân phanh

Liên tục đạp phanh và cảm nhận nguyên nhân. Trường hợp phanh mềm và đạp sát tận sàn, có thể mất dầu do hỏng đường ống. Đạp đi đạp lại nhiều lần để có cơ may hồi phục áp suất. Trường hợp chân phanh cứng đanh thì hệ thống phanh đang bị tắc đường dẫn thủy lực  hoặc phanh bị bó cứng. Việc đạp phanh liên tục cũng là để thử một vận may nào đó, biết đâu phanh phục hồi hoặc nếu xe có ABS, hành động này có thể giúp ABS kích hoạt.

•    Trả về số thấp

Số thấp giúp xe chậm lại, trường hơp đi số tự động thì chuyển sang chế độ bán tự động hoặc chế độ số thấp.

Trường hợp đi số sàn thì sẽ phức tạp hơn vì nếu về số quá thấp ở tốc độ cao có thể phá hủy hệ truyền động và lực quán tính làm mất khả năng kiểm soát. Do đó hãy về 1 hoặc 2 cấp mỗi lần, đặc biệt nếu  mất phanh trên đèo dốc cần hết sức cẩn trọng khi trả số thấp và nên theo tuần tự.

Một lưu ý quan trọng là không bao giờ được tắt động cơ, bởi khi đó hệ thống lái mất dần trợ lực nên rất nặng và khó điều khiển và việc động cơ ngừng đột ngột sẽ làm xe mất kiểm soát do lực quán tính tác động.

•    Dùng phanh tay

Phanh tay là nhân tố khá quan trọng trong việc làm giảm tốc độ xe mất lái. Khi thao tác cần lưu ý kéo nhẹ nhàng, từ từ nhưng đủ lực. Nếu kéo quá mạnh, quá nhanh có thể làm khóa bánh, gây hiện trượng trượt, mất lái. Nhớ giữ núm nhả, mỗi khi thấy xe có hiện tượng mất lái cần nhả phanh tay ngay.

•     Báo hiệu cho xe khác

Bất kỳ chướng ngại vật nào, cho dù ở gần hay ở xa đều phải được cảnh báo bằng cách bật đèn cảnh báo, nháy pha hoặc dùng còi gây sự chú ý để người khác biết mối nguy hiểm. Mở cửa sổ để tăng tính cản gió và dễ gọi người trợ giúp.

•    Cho xe đi theo hình chữ chi

Nếu có khoảng trống đủ an toàn, hãy cho xe lượn từ trái sang phải và ngược lại để tăng lực cản và nhờ đó giảm tốc.

•    Tìm điểm có thể va chạm và giảm tốc

Chắc chắn rằng xe sẽ không tự dừng. Vì vậy hãy chọn điểm an toàn để có thể cho xe đâm vào đó, ưu tiên những chướng ngại vật mềm như bụi cây, vũng lầy.

Chúc các bạn có thêm kinh nghiệm lái xe an toàn.


Oto-xemay.vn